Những năm gần đây, ngành dâu tằm tơ Việt Nam từng bước phục hồi khi chất lượng tơ tốt, được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng. Tuy nhiên, với những khó khăn nội tại, để ngành này thực sự phát triển mạnh mẽ không phải điều đơn giản.
Trên phạm vi toàn quốc, hiện ngành dâu tằm tơ được ghi nhận phát triển khá mạnh tại các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La, Kon Tum…, “Thủ phủ” của ngành dâu tằm tơ là tỉnh Lâm Đồng.
Theo ông Đặng Vĩnh Thọ-Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP-Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam: Trong số khoảng 10.000ha dâu của cả nước thì có tới trên 5.000ha tập trung tại Lâm Đồng. Dù chỉ chiếm 50% diện tích dâu cả nước, song sản lượng tơ của Lâm Đồng lại chiếm tới 70% cả nước. Lý do là tại Lâm Đồng, người trồng dâu nuôi tằm có thể nuôi được giống tằm lưỡng hệ quanh năm. Trung bình mỗi năm, người dân nuôi được tới 18-20 lứa tằm với năng suất kén/ha bình quân khá cao, đạt 2,5 tấn/ha. Chất lượng kén tốt, có giá bán lên tới mức 170.000 đồng/kg.
Trên thực tế, do nắm bắt được cơ hội ngành dâu tằm tơ đang phục hồi, phát triển, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại sản xuất đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như XK. Toàn quốc hiện có 40 dãy máy ươm tơ tự động hoạt động. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, hiện có khoảng 15 DN ươm tơ tự động với năng lực sản xuất trên 2 tấn tơ/ngày và hơn 20 cơ sở ươm tơ cơ khí, mỗi ngày sản xuất gần 1 tấn tơ. Ông Thọ cho hay, hầu hết số tơ này đều được XK ra nước ngoài theo từng cấp độ. Cụ thể, tơ chất lượng loại 1 được XK sang Ấn Độ, Pakistan. Tơ chất lượng loại 2 XK sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... Số còn lại bán cho thị trường nội địa.
Liên quan tới chất lượng tơ tằm Việt Nam, ông Thọ đánh giá: Chất lượng tơ tằm của Việt Nam rất tốt. Nếu được đầu tư bài bản sẽ cho ra những tấm vải lụa đẹp. Đi sâu phân tích chất lượng tơ, đặc biệt là tại vùng Lâm Đồng, theo ông Thọ, nhờ chất lượng kén ổn định nên cho ra chất lượng tơ khá cao, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu XK. Giá tơ XK hiện ở mức 64-65 USD/kg. Hoạt động dệt may từ tơ lụa của vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) được đầu tư cơ bản với dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng XK, thậm chí XK sang cả thị trường “khó tính” như Nhật Bản.
Chật vật nguồn trứng giống tằm
Chất lượng sản phẩm tốt, đã có những DN chú trọng đầu tư phát triển, được thị trường XK đón nhận, vậy đâu là khó khăn điển hình, trực tiếp mà ngành dâu tằm tơ đang phải đối mặt?
Theo đại diện lãnh đạo một số địa phương có ngành dâu tằm tơ đang hồi sinh, phát triển, vấn đề mấu chốt chính là Việt Nam chưa tự chủ được nguồn trứng giống tằm. Hiện nay, có tới 90% nguồn trứng giống tằm phải NK từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Điều này dẫn tới tình trạng chất lượng nguồn trứng giống thiếu ổn định, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, chất lượng cũng như độ dài của tơ.
Liên quan tới vấn đề này, ông Thọ khẳng định: Trứng giống tằm đang là vấn đề nan giải của ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành dâu tằm tơ phát triển, Hiệp hội Dậu tằm tơ Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho NK giống tằm từ Trung Quốc theo đường chính ngạch. Ngoài ra, do hiện nay việc cung cấp trứng giống tằm chưa có bất kỳ DN nào đứng ra đảm nhiệm chính thức nên Hiệp hội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp cùng địa phương hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tổ chức nuôi tằm con tập trung, sau đó cung cấp giống tằm cho nông dân, tránh rủi ro cho người nuôi tằm, nhất là tại vùng Lâm Đồng.
Xung quanh câu chuyện làm sao để phát triển ngành dâu tằm tơ cho bài bản, một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp đưa ra nhận định: Nếu không có chiến lược phát triển mạnh ngành dâu tằm tơ thì chỉ 10-15 năm nữa sẽ không còn nguyên liệu để sản xuất tơ lụa. Muốn khắc phục điều này, giải quyết khó khăn về nguồn trứng giống tằm thôi chưa đủ. Điều quan trọng là phải xây dựng được cả chuỗi hàng hóa có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua việc đưa giống dâu mới, giống tằm tốt với năng suất, chất lượng đảm bảo vào nuôi trồng. Bên cạnh đó, đối với những DN mặn mà đầu tư vào ngành dâu tằm tơ, nhà nước cần có chính sách ưu đãi phân vùng mua sản phẩm kén tằm cho từng DN ươm tơ. Đặc biệt, muốn phát triển toàn ngành, cần chọn ra một số DN mang tính “đầu tàu”, uy tín làm tốt công tác XK sản phẩm.
Đối với thị trường nội địa, trong bối cảnh thường xuyên diễn ra tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, trà trộn các mặt hàng khác nhau, bán hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “Made in Viet Nam” thì công tác quản lý chất lượng tơ lụa, chống gian lận thương mại là một trong những yếu tố quan trọng, không thể lơ là nhằm đảm bảo cho ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững.
Nghệ nhân Đỗ Quang Hùng (làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - Hà Nội): Dân chuyển nghề vì sản xuất 1 mét tơ lụa giá quá cao
Giai đoạn 1995-2000, nghề sản xuất và kinh doanh lụa rất phát triển ở Việt Nam nhưng hiện nay không còn như vậy. Một trong những nguyên nhân là bởi việc trồng dâu, nuôi tằm bị quy hoạch nhỏ lại, nhất là vùng Đồng bằng Bắc bộ. Tại làng lụa Vạn Phúc hiện nay, phần lớn người dân phải nhập tơ từ vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng) với mức giá khoảng 1,6 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, công thợ dệt hiện nay khá cao. Để dệt thủ công 1kg tơ, thợ giỏi phải dệt trong 5 ngày. Điều này dẫn tới tình trạng, muốn có 1 mét lụa tơ tằm, giá thành khá cao. Nhiều người dân chuyển sang sản xuất lanh và tơ bóng, nhập nhèm giữa tơ và lanh để đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Lê Thái Vũ, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam: Cần tạo sản phẩm thời trang từ lụa tơ tằm
Để phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng đặt ra là các nhà thiết kế, viện thiết kế trong và ngoài nước phải cùng tham gia, tạo nên sản phẩm thời trang và nhiều sản phẩm khác từ lụa tơ tằm Việt Nam. Ngoài ra, tại các làng nghề, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh với du lịch làng nghề nhằm tạo điểm tham quan, trải nghiệm cho khách. Ví dụ như, du khách có thể tham quan quy trình trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại làng nghề. Bên cạnh đó, việc tổ chức những lễ hội truyền thống có liên quan đến tơ tằm cũng rất cần thiết nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam rộng rãi tới bạn bè quốc tế.