Đã có thời điểm nghề trồng dâu nuôi tằm phục vụ công nghiệp ươm tơ dệt lụa của TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) rất hưng thịnh, với diện tích lên đến 3.000ha. Thế nhưng...

 
Thế nhưng, sau những năm 1990, nghề này lâm vào cảnh “tuột dốc không phanh”.
 
Một thời vang bóng
 
Với những người lớn tuổi ở Bảo Lộc, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa vốn là nghề truyền thống, có thời đã giúp họ làm giàu. So với cả nước, Bảo Lộc là địa phương có nghề trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa phát triển rất sớm. Với nhiệt độ từ 22 - 28 độ C là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển những giống tằm lưỡng hệ có chất lượng cao và cây dâu.
 
 
Nghề trồng dâu nuôi tằm đang khởi sắc trở lại tại Bảo Lộc
 
Trước năm 1975, Bảo Lộc đã có Trung tâm Nghiên cứu tằm tang thuộc Ty Nông nghiệp Lâm Đồng. Sau năm 1975, thành phố này tiếp tục thành lập được Trại giống tằm Trung ương, tiền thân của TCty Dâu tằm tơ Việt Nam. Thời hoàng kim, diện tích trồng dâu nuôi tằm tại Bảo Lộc lên tới trên 3.000ha với cả trăm cơ sở ươm tơ, dệt lụa thuộc công ty nhà nước và các HTX...
 
Tuy nhiên, ít năm sau khi nhà nước thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, nghề ươm tơ, dệt lụa của Bảo Lộc chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm tơ lụa của thị trường tơ thế giới. Sự lạc hậu về công nghệ, chất lượng sản phẩm tơ lựa không cao, hình thức mẫu mã không được như ý đã khiến ngành nghề vang bóng một thời của Bảo Lộc thua cuộc ngay trên sân nhà.
 
Sản phẩm tơ lụa làm ra của các doanh nghiệp không cạnh tranh được với mặt hàng cùng loại của nước ngoài dẫn đến hàng hóa ế ẩm, kinh doanh sa sút. Nghề chăn nuôi tằm lấy kén của người dân lâm vào khủng hoảng vì không có đầu ra. Thu nhập từ nghề nuôi tằm giảm hẳn, trở nên bết bát hơn nhiều so với các ngành nghề khác...
 
Vực dậy ngành tơ lụa
 
Những năm gần đây, trước thực trạng ngành chè Bảo Lộc gặp nhiều khó khăn về đầu ra, thị trường tiêu thụ không ổn định, nhà chức trách địa phương cũng như người dân bắt đầu quan tâm hơn nghề nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa truyền thống.
 
Sự phục hồi của ngành này bắt đầu từ việc người dân đưa nhiều giống dâu mới cho năng suất cao về trồng phục vụ nuôi tằm.
 
 
Nghề nuôi tằm tại Bảo Lộc đang phát triển mạnh thời gian gần đây
 
Chị Nguyễn Thị Hương, ngụ phường B’Lao, TP Bảo Lộc, đang sở hữu 5 sào đất trồng dâu và hàng trăm nong tằm giống mới cho biết, vài năm trở lại đây, giá kén tằm luôn ổn định ở mức cao, việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ trồng, thâm canh giống dâu đến kỹ thuật nuôi tằm chất lượng cao đã làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng kén, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị.
 
Nhờ nghề chăn nuôi tằm cung cấp kén cho các doanh nghiệp tại địa phương mà nay gia đình chị Hương đã xây cất được căn biệt thự trị giá 1,5 tỷ đồng. Mua sắm nhiều vật dụng trị giá cao phục vụ sinh hoạt và giải trí.
 
Sự “sống dậy” của của ngành ươm tơ, dệt lụa tại Bảo Lộc đã thúc đẩy người dân không ngừng mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm. Theo Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc, hiện diện tích trồng dâu tằm đã tăng lên 248ha, sản lượng lá dâu trung bình đạt khoảng 5.000 tấn/năm.
 
Cùng với việc “tái sinh” nghề chăn nuôi tằm, nhiều nhà máy chế biến tơ tằm quy mô lớn đã được xây dựng hoặc hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
 
Ông Nguyễn Thái Lam, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Bảo Lộc cho biết, đến nay công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa và các sản phẩm dệt may từ tơ lụa của Bảo Lộc đã được đầu tư rất cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, chiếm 75% năng lực ươm tơ, 70% năng lực se tơ dệt lụa của cả nước. Công nghiệp ươm tơ dệt lụa đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu ra các nước như Nhật Bản, EU, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan…
 
 
Các doanh nghiệp ươm tơ dệt lụa hoạt động mạnh thu hút nghề chăn nuôi tằm phát triển
 
Hiện trên địa bàn Bảo Lộc có các đơn vị sản xuất tơ lụa quy mô lớn Cty CP TCty Dâu tằm tơ Việt Nam, Cty CP tơ lụa Bảo Lộc, Cty CP Tơ tằm Á Châu, Cty Kimono Japan... và gần 30 cơ sở ươm tơ, dệt lụa của hộ gia đình.
 
Bảo Lộc đang xây dựng trở thành trung tâm sản xuất chế biến tơ lụa của tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở tổ chức quy hoạch phát triển sản xuất dâu tằm theo hướng gắn vùng nguyên liệu với phát triển các nhà máy công nghệ tiên tiến, gắn nhà máy với người trồng dâu, nuôi tằm đảm bảo tiêu thụ hết lượng sản phẩm tơ kén trên địa bàn tỉnh.
 
Bên cạnh đó, địa phương này cũng đang quy hoạch, sắp xếp lại các nhà máy ươm tơ, dệt lụa, tăng cường đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ.
 
Cũng theo ông Nguyễn Thái Lam, hiện thị trường tơ lụa Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn nguồn tơ cao cấp, yêu cầu thấp hơn là thị trường Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh… Do vậy, các doanh nghiệp cần tranh thủ nắm bắt thời cơ, tiếp tục xúc tiến sản phẩm ở các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới có nhiều tiềm năng.
 
Với những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, có thể thấy nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của Bảo Lộc đang dần hồi sinh.
 
HOÀNG HẠNH