Đã có thời kỳ, diện tích trồng dâu của tỉnh Lâm Đồng lên tới hàng chục ngàn ha, riêng thành phố Bảo Lộc cũng có trên 3.000 ha, nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề chính của hàng vạn hộ nông dân trên địa bàn. Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam cũng đã đặt ở mảnh đất Bảo Lộc, cùng với các đơn vị khác như Trại giống tằm Trung ương, cùng hàng chục nhà máy ươm tơ, dệt lụa.
 
 
Sau một thời kỳ suy thoái, người nông dân đã phải chuyển đổi từ cây dâu sang các loại cây công nghiệp khác, Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam phá sản kéo theo nhiều nhiều đơn vị khác. Bước qua thời kỳ suy thoái, từ năm 2010 đến nay, ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng đã bắt đầu phục hồi và phát triển.
 
Diện tích trồng dâu tằm toàn tỉnh hiện đã tăng lên khoảng 5.500ha, chủ yếu tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đạ Tẻh... Nhiều gia đình đã trở lại và bắt đầu làm giàu từ nghề truyền thống này. Ngay thành phố Bảo Lộc cũng có tới 350 ha dâu tằm đang phát triển tốt.
 
Trong những địa phương có nghề dâu tằm tơ phát triển mạnh phải kể đến xã Đamb’ri của thành phố Bảo Lộc. Riêng vùng đất này, đã có tới 400 hộ nuôi tằm trên diện tích trên 300 ha dâu.
 
 
Gia đình chị Lương Thị Liên, 38 tuổi ở thôn 8, nhà có 5 sào dâu. Thấy nghề nuôi tằm cho thu nhập cao, chị thuê thêm 4 sào đất để trồng dâu. Mỗi lứa nhà chị nuôi 3 hộp tằm giống, thu 1,8 tạ kén, bán với giá từ 160.000 - 180.000 đồng/kg. Trong vòng 15 ngày kết thúc 1 lứa, cứ lứa này nối lứa kia, mỗi tháng trừ chi phí, gia đình chị cũng thu được 40 triệu đồng với chủ yếu 1 công lao động chính, giờ đã có tiền để xây dựng nhà cửa khang trang và mở rộng diện tích canh tác dâu tằm.
 
Ngoài nguyên nhân giá tơ lụa thế giới phục hồi, lý do ngành dâu tằm tơ Bảo Lộc phục hồi phải kể đến thành công của cuộc cách mạng công nghệ như: đưa các giống dâu có năng suất cao và phát triển đều quanh năm vào canh tác; sáng chế Né gỗ tự xoay cho tằm kéo tơ khiến chất lượng kén đều hơn nên giá tơ tăng cao hơn. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm đến sự phục hồi của nghề truyền thống này và định hướng phát triển.
 
Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã Đamb’ri cho biết, chính quyền địa phương đã quan tâm, khuyến khích động viên các hộ dân đẩy mạnh phát triển trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, để ngành trồng dâu nuôi tằm phát triển, địa phương đã đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu.
 
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để người dân nuôi đạt hiệu quả cao nhất.  Hiện tại, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có 22 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất tơ tằm; trong đó, có 8 nhà máy ươm tơ tự động, 8 doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm với tổng sản lượng tơ năm 2016 đạt trên 1.600 tấn, gần 5,7 triệu mét lụa với giá trị xuất khẩu đạt 9,6 triệu USD. Các công ty ươm tơ đã thay đổi thiết bị, từ máy cơ khí sang máy tự động, khiến chất lượng tơ và năng xuất được nâng cao.
 
Công ty Trách nhiệm hữu hạn tơ tằm Nhật Minh được thành lập từ năm 2013, đến nay đã đầu tư 4 giàn máy ươm tơ tự động, với 70 công nhân đứng máy, mỗi tháng sản xuất được 5.000kg tơ, cung cấp cho các nhà máy dệt lụa trên địa bàn và xuất đi nước ngoài.
 
Ông Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc công ty cho biết: “Nhà máy của chúng tôi đã sản xuất được nguyên liệu tơ cung cấp cho các nhà máy tại địa phương, dệt Kimono được người Nhật chấp nhận. Hiện tại doanh nghiệp đã phát triển ổn định hơn, tạo được công ăn việc làm cho công nhân, còn nông dân có thu nhập, nên phấn khởi đầu tư chăn nuôi nhiều hơn, nâng chất lượng kén, tơ lên cao và sản lượng kén của người nông dân đã đạt hơn ngày xưa”.
 
Trên địa bàn thành phố đang có các đơn vị sản xuất lụa tơ tằm như Công ty cổ phần Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, Công ty cổ phần tơ lụa Bảo lộc, Công ty Kimono Japan, Công ty TNHH xe tơ dệt lụa Hà Bảo…Với 8 nhà máy dệt lụa tơ tằm đang chạy hết công xuất.
 
Hiện nay, các doanh nghiệp này đang sản luất lụa chủ yếu theo hướng cung cấp lụa nguyên liệu cho các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Italya, Mỹ… Một số nhà máy đã sản xuất sản phẩm từ lụa như cà vạt, khăn lụa theo đơn đặt hàng của trong nước và nước ngoài.
 
Ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam đề nghị, để tạo cho ngành Dâu tằm tơ phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho các trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ sản xuất được giống cấp I. Từ đó sản xuất ra giống cấp II để cung cấp cho các hộ nuôi tằm con có chất lượng, sức sống tốt, năng xuất cao phù hợp với xu thế thế giới. UBND tỉnh Lâm Đồng khi cấp giấy phép cho các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư máy móc thì phải đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để tạo sự cân đối giữa vùng nguyên liệu và máy móc đã đầu tư để tránh tình trạng tranh mua tranh bán...
 
Về định hướng phát triển ngành dâu tằm tơ của địa phương, ông Nghiêm Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, trong thời gian sắp tới, chính quyền thành phố sẽ có những định hướng trong quy hoạch cũng như định hướng phát triển công nghiệp chế biến trong lĩnh vực dâu tằm. Để sản phẩm tơ lụa của Bảo Lộc được biết đến nhiều hơn ở trong nước cũng như trên thế giới.
 
Có thể nói, nghề dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng hiện đã hồi sinh trở lại, đem theo cuộc sống ấm no cho nhiều hộ nông dân, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn công nhân trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm tơ lụa của Bảo Lộc từ xưa đã có tiếng trên thị trường nhưng vẫn chưa có một thương hiệu đặc trưng. Bởi vậy, hiện UBND thành phố Bảo Lộc đang tổ chức xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc”, dự kiến sẽ có 10 doanh nghiệp được cấp nhãn hiệu vào Tuần văn hoá trà- tơ lụa trong khuôn khổ Festivanl Hoa Đà Lạt lần thứ VII, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 12/2017.
 
Chu Quốc Hùng