Từ doanh nghiệp nhà nước đến công ty cổ phần   

     
 
VISERI là tên giao dịch của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (DTT VN), là một doanh nghiệp (DN) Nhà nước, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiền thân của VISERI là Liên hiệp các Xí nghiệp DTT VN, được thành lập ngày 26/8/1985, khởi đầu chỉ có 11 doanh nghiệp trực thuộc; trong đó, có 6 đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đến ngày 30/12/1995, theo Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại các DN Nhà nước, Liên hiệp các Xí nghiệp DTT VN được đổi tên thành Tổng Công ty DTT VN (VISERI). Lúc đó, VISERI có tới 34 đơn vị thành viên trong cả nước (kể cả nhà máy và nông trường); trong đó, có 3 đơn vị liên doanh với nước ngoài. Trụ sở của VISERI đặt tại Bảo Lộc. Trong quá trình hoạt động, VISERI đã có một thời “vàng son”, nhưng rồi không thể “trụ” được nữa do sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ. Ngày 27/5/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 115, cho phép VISERI phá sản 12 doanh nghiệp; trong đó, có 8 đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Trong quá trình tái cơ cấu DN, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam - Bộ Tài Chính (DATC) đã mua các khoản nợ tồn đọng của VISERI và xử lý các tồn tại về tài chính cho VISERI. Sau khi xử lý các tồn tại về tài chính, tại Đại hội Cổ đông (18/5/2013), Tổng Công ty DTT VN chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần Tổng Công ty DTT VN. Tên giao dịch quốc tế của Công ty Cổ phần Tổng Công ty DTT VN vẫn là VISERI. Vốn điều lệ của VISERI lúc này là 100 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối (90,67%) và do DATC đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước. 
 
 
Đến tháng 6/2015, DATC đã bán toàn bộ phần vốn Nhà nước (mà DATC đại diện VISERI) cho tư nhân, hoàn thành việc thoái vốn của Nhà nước khỏi VISERI. Việc mua bán này vẫn giữ nguyên tư cách pháp nhân của Công ty Cổ phần Tổng Công ty DTT VN. 
 
VISERI sau khi cổ phần hóa 
 
Năm 2013, từ khi cổ phần hóa, VISERI được sắp xếp, tổ chức lại sản xuất và chỉ còn 4 nhà máy: Nhà máy Xe tơ 1, Nhà máy Xe tơ 2, Nhà máy Xe tơ 5 và Nhà máy dệt lụa Kimono. Số lượng lao động làm việc tại các nhà máy này gần 500 công nhân. Ngoài ra, VISERI còn liên doanh, liên kết với các nhà máy khác tại thành phố Bảo Lộc, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.
 
Sau khi cổ phần hóa, VISERI vẫn tiếp tục duy trì sự hợp tác ổn định với đối tác Nhật bản là Công ty Matsumura. VISERI được Nhật Bản hỗ trợ máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại để thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu, nâng cao chất lượng sản phẩm tơ, lụa đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản và các khách hàng khác trên thị trường xuất khẩu. Với các công đoạn sản xuất là xe tơ, dệt, tẩy, chuội, in hoa, sản phẩm cuối cùng của VISERI là tơ, lụa xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam, gồm tơ xe các loại, tơ sợi nhuộm, sợi polyester, vải kimono, vải caravat, vải chuội. Sản lượng và chất lượng sản phẩm hàng năm ngày càng tăng dần. Doanh thu đạt xấp xỉ 70 tỷ đồng (năm 2015). Sau khi cổ phần,  Công ty Matsumura đã đầu tư để VISERI xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý chất thải hiện đại (với 300m3/ngày đêm) tại Nhà máy xe tơ 2 để phục vụ cho công đoạn tẩy, chuội, nhuộm. 
 
Đồng thời, để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, mới đây, Công ty Matsumura đã đầu tư cho VISERI xây dựng Phòng Kiểm nghiệm chất lượng tơ. “Nhờ có Phòng Kiểm nghiệm chất lượng tơ, VISERI mới kiểm nghiệm, đánh giá được chất lượng và phát hiện được những “khuyết tật” trong quá trình sản xuất của các nhà máy ươm tơ, nhằm nâng cao chất lượng sản xuất tơ. Sắp đến, VISERI sẽ tiếp tục xây dựng Phòng Kiểm nghiệm chất lượng lụa thì mới có thể đáp ứng thêm được nhu cầu sản xuất, kinh doanh DTT” - ông Đặng Vĩnh Thọ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty DTT VN (VISERI), cho  biết. 
 
Theo ông Trần Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty DTT VN: “Từ khi Nhà nước đã chính thức thoái toàn bộ vốn của Nhà nước cho các tổ chức doanh nghiệp tư nhân (2015), Công ty Cổ phần chúng tôi chính thức tiếp quản; tiếp tục duy trì, ổn định và phát triển sản xuất với thương hiệu VISERI trước đây đã nổi tiếng cả Việt Nam và thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thế mạnh đó chưa được phát huy hết, thì nay với tiềm lực đã có, như tiềm lực về vốn; tiềm lực về vật chất, kỹ thuật; có đội ngũ cán bộ quản lý tốt, đội ngũ làm khoa học giỏi và đội ngũ công nhân lành nghề, chúng tôi có thể đáp ứng mọi yêu cầu khó nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan tới DTT. 
 
Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng duy trì và phát huy mạnh hơn nữa sự hợp tác với đối tác Nhật Bản là Công ty Matsumura. Đồng thời, chúng tôi đang có ý định là phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các DN liên quan để xúc tiến đầu tư thương mại, làm sao tìm kiếm thêm được khách hàng mới, đối tác mới, thị trường mới, tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa, góp phần xây dựng lại thương hiệu của VISERI. Đồng thời, trong sự hợp tác với Matsumura và thành phố Bảo Lộc, với vai trò là một DN trung tâm, chúng tôi sẽ cố gắng hợp tác tốt hơn nữa với các DN cùng ngành nghề DTT trên địa bàn thành phố, góp phần đẩy mạnh thương hiệu Tơ Lụa Bảo Lộc trên thị trường Việt Nam và thế giới”.
 
Vai trò trung tâm của VISERI
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Phụng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Bảo Lộc, ghi nhận: “Sau khi cổ phần hóa, VISERI đã có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy nhiều DN trong ngành DTT trên địa bàn thành phố Bảo Lộc (và trong tỉnh) hình thành, phát triển; từ đó, cũng đã kéo theo nghề trồng dâu, nuôi tằm hồi sinh trở lại”. 
 
Chỉ riêng trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, trong số những DN sản xuất ngành DTT, trong thời gian gần đây, những DN làm ăn hiệu quả có thể kể đến là Công ty Cổ phần Tơ lụa Đông Lâm, Công ty Cổ phần Tơ lụa Bảo Lộc, Công ty TNHH Dệt Tơ tằm VietSilk, Công ty Kimono Japan, Công ty Cổ phần Tơ tằm Á Châu, Công ty TNHH Xe tơ Dệt lụa Hà Bảo… Trong số những DN này đã có một số DN liên kết với Công ty Cổ phần Tổng Công ty DTT VN (VISERI) trong việc sản xuất tơ lụa. Ngoài nguyên liệu tơ sản xuất tại địa phương, hàng năm, VISERI đã làm “đầu mối” trong việc nhập ngoại gần 1.000 tấn tơ tằm nguyên liệu và bao tiêu, xuất khẩu khoảng 800 tấn lụa, tơ xe cho các DN. Mặt khác, VISERI còn hỗ trợ các DN dệt tơ lụa trong việc tẩy, chuội, nhuộm; kiểm nghiệm chất lượng tơ... 
 
“Đề án phát triển DTT của tỉnh Lâm Đồng đã xác định thành phố Bảo Lộc là một trong những vùng trọng điểm, đòi hỏi nguồn lực đầu tư của các DN thông qua cơ chế hỗ trợ vốn vay. Do vậy, tất cả các ngân hàng trên địa bàn thành phố cũng đã bám sát Đề án này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN và nông dân trồng dâu nuôi tằm vay vốn. Thông qua nguồn vốn vay, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, nhập hệ thống máy móc, thiết bị theo định hướng nâng cao chất lượng các sản phẩm tơ lụa” - ông Lê Hoàng Phụng cho  biết. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm, thành phố Bảo Lộc có thể sản xuất khoảng 1.000 tấn tơ, 3 triệu mét lụa và trên 200.000 sản phẩm tơ lụa khác, chiếm đến 75% năng lực chế biến, sản xuất tơ lụa của cả nước. 
 
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty DTT VN Đặng Vĩnh Thọ cho  biết thêm: “Mới đây, VISERI đã phối hợp với thành phố Bảo Lộc và các DN DTT tham gia Festival Lụa tơ tằm tại Hội An (Quảng Nam). Đây cũng là dịp để VISERI xúc tiến hợp tác đầu tư để phát triển mạnh ngành DTT VN. Trước mắt, VISERI sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng triển khai Đề án ứng dụng và chuyển giao giống dâu mới (S7 - CB và VA - 201) để giúp nông dân vùng sâu huyện Đạ Tẻh (sau đó sẽ mở rộng dần); đồng thời, đề xuất việc củng cố, thành lập Hiệp hội DTT Lâm Đồng. Riêng về phía VISERI, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô dệt”.
 
BÙI TRƯỞNG